GẮN KẾT - HỘI NHẬP - PHÁT TRIỂN

Hội nghị Logistics Phú Thọ

Facebook

Ngày 26/3/2024, Hiệp hội Logistics Hà Nội gồm có 15 thành viên đến từ 9 Hội viên HNLA đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển dịch vụ logistics của tính Phú Thọ năm 2024 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ, 936 đại lộ Hùng Vương, phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Với vị trí trung tâm tiểu vùng Tây – Đông – Bắc, ngã ba sông hội tụ sông Hồng, sông Đà và sông Lô, Phú Thọ có vai trò là đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế giữa khu vực. Phú Thọ có rất nhiều tiềm năng để phát triển logistics vì là cửa ngõ kết nối vùng Thủ đô với khu vực trung du miền núi phía Bắc. Là đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy trong khu vực miền Bắc, có khả năng kết nối trung chuyển hàng hóa cho các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Phú Thọ nằm trên hành lang kinh tế Vân Nam – Lào Cai – Hà Nội – Quảng Ninh. Về môi trường kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phú Thọ đã tăng từ xếp hạng 54 vào năm 2013 lên xếp hạng 24 vào năm 2022. Đây là những yếu tố, tiền đề quan trọng để Phú Thọ có thể thu hút đầu tư vào logistics để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tại Hội Nghị, ông Đặng Việt Phương, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Thọ cho biết, từ một tỉnh có tăng trưởng xuất nhập khẩu thấp nhất cả nước, đến nay, tỉnh này đã thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng bình quân nhanh, thuộc nhóm 10 địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu cao, với kim ngạch năm 2022 đạt 12,1 tỷ USD, năm 2023 ước đạt 10.803 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân nhập khẩu trong những năm gần đây cũng đạt 26,6%, trong đó các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là vật tư đảm bảo cho gia công hàng xuất khẩu, linh kiện điện tử, nguyên liệu dệt bông, xơ, sợi dệt, phụ liệu may, da giày, vải may…

Về hệ thống giao thông vận tải, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh nằm trong vành đai của các tuyến trục giao thông quan trọng, như: Quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, đường sắt, đường sông chạy từ Trung Quốc qua các tỉnh phía Tây vùng Đông Bắc đều quy tụ về Phú Thọ sau đó tỏa đi Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực khác.

Mặc dù có nhiều thuận lợi tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải cho rằng, hiện trạng giao thông còn phân tán. Hạ tầng kho bãi hiện chưa có trung tâm thực sự lớn, hiện mới dự kiến quy hoạch hai trung tâm logistics cấp tỉnh và một trung tâm cấp vùng; số lượng doanh nghiệp logistics còn ít; đặc biệt là liên kết vùng miền chưa cao. Vì vậy, theo ông Hải, để phát triển dịch vụ logistics, trước hết cần có quyết tâm, nhận thức rõ ràng. Tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics, cần đưa vào hệ thống quy hoạch, nếu không sẽ bị vướng, thực tiễn nhiều địa phương đã chứng minh điều đó.

Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội ông Trần Đức Nghĩa đưa ra ý kiến để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Phú Thọ cần kết nối thông qua hạ tầng giao thông, thúc đẩy vận tải đa phương thức và kết nối doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển dịch vụ logistics. Thay mặt gần 70 cá nhân đến từ khoảng 50 đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Hà Nội và Hải Phòng đến tham dự hội nghị, ông Nghĩa bày bỏ mong muốn hợp tác với các đối tác Phú Thọ để góp phần phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tính Phú Thọ, đúng theo định hướng của lãnh đạo tỉnh khi tổ chức Hội nghị.