GẮN KẾT - HỘI NHẬP - PHÁT TRIỂN

Hội thảo Logistics thúc đẩy liên kết ngành và nâng cao chuỗi giá trị

Facebook

Ngày 28/6, Hiệp hội Logistics Hà Nội (HLNA) phối hợp Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội thảo “Logistics thúc đẩy liên kết ngành và nâng cao chuỗi giá trị”. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hiệp hội cùng thúc đẩy việc hợp tác, góp phần nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp và các hiệp hội như: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI)…

Theo ông Trần Đức Nghĩa – Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) cho biết tỷ lệ thuê ngoài (outsourcing) dịch vụ logistics Việt Nam thể hiện không gian cho ngành logistics phát triển. Tỷ lệ này càng cao thì không gian phát triển của logistics càng lớn và ngược lại. Vì vậy, trong các quyết định của Thủ tướng Chính phú và của UBND thành phố Hà Nội về việc phát triển dịch vụ logistics đều đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ này. Lý do giải thích cho tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics hiện đang thấp có thể là vấn đề bảo mật thông tin, do các doanh nghiệp muốn phát triển đa ngành nên tự tổ chức dịch vụ logistics để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhiều lý do khác nữa. Hội thảo ngày 28.06 nhằm giải quyết hai lý do phổ biến nhất, đó là sự kết nối chưa được chặt chẽ giữa logistics và các ngành nghề trong nền kinh tế và sự sẵn sàng của doanh nghiệp logistics với các yêu cầu, đòi hỏi đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung.

HNLA cũng mong muốn nhận được sự chia sẻ từ các diễn giả, ý kiến từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics và các hoạt động kinh tế khác về việc làm sao để thúc đẩy kết nối tốt hơn nữa nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam kéo dài chuỗi giá trị của mình và tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Năm 2022, Việt Nam có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt các doanh nghiệp đã tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA.

Bên cạnh hoạt động xuất nhập khẩu, mức bán lẻ hàng hóa trong nước tăng trưởng cũng đòi hỏi nhu cầu dịch vụ logistics phát triển. Tính riêng giai đoạn 2010-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng hơn 3 lần tư 1.254 nghìn tỷ (2010) lên 3.815 nghìn tỷ (2020) tạo nguồn cầu cho dịch vụ logistics, lưu thông hàng hóa trong nước.

Để đạt được những thành công trên, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của ngành dịch vụ logistics. Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đẩy mạnh liên kết, nâng cao sức cạnh tranh

Bên cạnh những kết quả đạt được ngành logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin… cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn nhiều bất cập. Chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt.

Ký kết MOU giữa Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) và Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI)

Một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của logistics chính là sự thiếu liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng và các bên liên quan của ngành, thể hiện qua tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics ở Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển khác.

Vì vậy, trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics, bên cạnh những giải pháp căn cơ đã và đang được các cấp, các bên tích cực triển khai thực hiện như hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách môi trường kinh doanh; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng của doanh nghiệp dịch vụ logistics; phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu tạo nguồn hàng cho ngành dịch vụ logistics… thì một giải pháp cần tập trung triển khai chính là việc củng cố, tăng cường các mối liên kết trong ngành.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử Việt Nam, đó là cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa để đóng góp nhiều hơn vào chuỗi cung ứng; tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính do điều chỉnh chuỗi cung ứng sau Covid-19; tăng cường thu hút FDI, trước xu hướng dịch chuyển đầu tư và sản xuất sang Việt Nam, tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường thu hút FDI, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử.

Mặt khác, các nước thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và khu vực, việc phê chuẩn các hiệp định tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA… diễn ra khẩn trương hơn, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt là điện tử… Trước những cơ hội đó, hoạt động logistics cho chuỗi cung ứng của ngành điện tử cần đảm bảo tính chuyên nghiệp; dịch vụ kịp thời, độ tin cậy, tính đa dạng và phản ứng nhanh.