GẮN KẾT - HỘI NHẬP - PHÁT TRIỂN

Quy định mới về xuất xứ hàng hóa

Facebook

Ngày 31/5/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BTC, đưa ra các quy định mới về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu thay thế các quy định tại các Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư số 62/2019/TT-BTC, Thông tư số 47/2020/TT-BTC và Thông tư số 07/2021/TT-BTC. Tại văn bản này, Bộ Tài chính đã đưa ra một loạt các thay đổi nhằm hướng đến việc mở rộng quyền cho người khai hải quan, tạo thuận lợi cho việc sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để hưởng ưu đãi thuế quan. Bài viết này đề cập đến một số thay đổi có ý nghĩa thiết thực với người khai hải quan.

Trước tiên, văn bản mới cho phép người khai hải quan được gửi hồ sơ đề nghị xác định xuất xứ hàng hóa trước khi thực hiện việc khai báo thủ tục hải quan. Khi thực hiện thủ tục này, người khai hải quan sẽ nhận được văn bản từ Tổng cục hải quan, xác định trước xuất xứ hàng hóa. Với thông báo này từ Tổng cục hải quan, người khai hải quan có thể biết được ưu đãi thuế quan mà mình sẽ được hưởng trước khi làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu. Quy trình thực hiện thủ tục này được quy định tại Điều 3 và Điều 4, Thông tư 33/2023/TT-BTC.

Thứ hai, thời hạn nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng được kéo dài rất nhiều so với quy định hiện hành là 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Thông tư số 33/2023/TT-BTC cho phép kéo dài thời hạn nộp bổ sung C/O gốc từ một năm đến hai năm, tùy thuộc vào Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Chắng hạn, với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu, Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ai len, người khai hải quan phải nộp bổ sung C/O gốc trong thời hạn hai năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Với các Hiệp định thương mại khác thì thời hạn nộp bổ sung C/O gốc là một năm. Việc gia hạn thêm thời gian nộp bổ sung C/O gốc giúp doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn để xin cấp và bổ sung chứng từ nhằm hưởng ưu đãi thuế quan và giảm thiểu rủi ro trễ hạn nộp bổ sung C/O gốc. Quy định chi tiết về thời hạn nộp bổ sung C/O gốc nằm trong Điểm b Khoản 1 Điều 12 Thông tư 33/2023/TT-BTC.

Một thay đổi quan trọng khác trong Thông tư 33/2023/TT-BTC là định nghĩa về chứng từ gốc phải nộp. Hiện nay, C/O gốc phải nộp là bản cứng có chữ ký và con dấu của cơ quan cấp. Nay, C/O gốc được chấp nhận dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy chuyển sang chứng từ điện tử có xác nhận bằng chữ ký số của doanh nghiệp. Với thay đổi này, doanh nghiệp tiết kiệm được nguồn lực cũng như  thời gian trong khâu làm thủ tục hải quan vì không phải chờ bản gốc C/O gửi từ nước ngoài về đề xuất trình vào hồ sơ hải quan như trước đây. Tuy nhiên, người khai hải quan vẫn cần lưu bản gốc C/O vào hồ sơ hải quan lưu tại doanh nghiệp để phục vụ cho công tác thanh kiểm tra sau thông quan. Quy định chi tiết về thay đổi này có trong Khoản 4 điều 12 Thông tư 33/2023/TT-BTC.

Điểm thay đổi tiếp theo trong Thông tư 33/2023/TT-BTC là việc nộp bổ sung C/O cho hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế khi làm thủ tục hải quan, nhưng thay đổi mục đích sử dụng để chuyển tiêu thụ nội địa. Theo quy định hiện hành, khi thay đổi mục đích sử dụng chuyển sang tiêu thụ nội địa thì người khai hải quan phải chứng minh rằng hàng hóa phải đảm bảo tính nguyên trạng về xuất xứ, cụ thể là chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến …. Nay, Thông tư 33/2023/TT-BTC đã bỏ quy định này, cho phép doanh nghiệp được bổ sung C/O để hưởng ưu đãi về thuế khi làm thủ tục hải quan thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa mà không cần phải chứng minh giữ nguyên trạng về xuất xứ hàng hóa. Thay đổi này được quy định chi tiết tại  Điều 13 Thông tư 33/2023/TT-BTC.

Ngoài ra, Thông tư 33/2023/TT-BTC cũng đề cập đến các trường hợp từ chối C/O, kiểm tra, xác minh C/O, xử lý khi có sự khác biệt mã số hàng hóa (HS code) giữa C/O và tờ khai hải quan trong một số trường hợp đặc biệt. Các nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Thông tư 33/2023/TT-BTC.

Nhìn chung, các quy định mới trong Thông tư 33/2023/TT-BTC đưa đã giải quyết một số vấn đề gây khó khăn cho các đơn vị khai thuê hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các quy định mới này giúp cho doanh nghiệp giảm bớt chi phí và hạn chế các rủi ro khách quan xảy ra trong việc luân chuyển chứng từ từ nước xuất khẩu, đảm bảo quyền được hưởng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thông tư 33/2023/TT-BTC sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7/2023.

Hải Phòng, ngày 17 tháng 6 2023

Tường Thị Đoan

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Delta